logo text
Idagdag sa Library
logo
logo-text

I-download ang aklat na ito sa loob ng app

Đông A

Đông A

Bùi Nhật


Nhật Ý I (1)

Gió lùa qua tà áo nhỏ bé mỏng manh của Ý. Cô bé mười tuổi đưa tay dụi mắt, đứng trên mỏm đá hứng trọn những lọn gió tiếp theo, búi tóc rối xõa tung theo lọn gió. Trước mặt cô là biển Hoa Tảo đỏ thẫm như máu. Bà vú từng nói với Ý rằng biển Hoa Tảo bị nhuộm đỏ một mảng như thế này là do máu của hàng ngàn người rơi xuống tô thẫm nó trong trận Nhật Tảo, nhưng u gạt đi, u bảo rằng tảo biển nở hoa mới khiến cho cả một vùng trời này đỏ rực. Người ta không bao giờ đi ra biển hay thậm chí đến gần vách đá vào mùa này, tảo biển độc đến nỗi giết hết những con cá sống ở trong nước, đến những con bồ nông còn không thèm đếm xỉa mấy con cá nổi lềnh phềnh dưới kia cho dù chúng đói. Già làng hay bảo là ở chỗ này ác nghiệp và oán khí quá nặng, không còn được thần linh độ nữa, có nhiều vụ con nít đi qua thì bị quỷ thần ám và bắt mất để ăn thịt. Ý chống nạnh cười lớn nói với đám con nít trong làng là già làng bịa chuyện, bảo tr1ên đời này làm gì có quỷ thần, người lớn bịa chuyện dọa con nít để chúng nó không ra đấy thôi.
Thầy Quang tử trận trong trận Nhật Tảo, u dường như khóc cạn nước mắt vào những tuần trăng sau đó. U không bao giờ ra vách đá dù có là mùa nào, U ghét nhìn thấy màu xanh trong vắt của biển, màu đỏ diễm lệ và cay độc của tảo nở hoa. U ghét cay ghét đắng nơi mà thầy nằm lại, nếu đây không phải là đất tổ của thầy thì chắc u đã dắt Ý đi cho khuất mắt từ lâu rồi. U đứng phía xa xa ở đường chính, cao giọng gọi Ý:
“Con ơi về làm lễ dỗ thầy, về lấy vài nén hương thắp cho thầy với các cụ, con ơi.”
“Vâng thưa u con về ngay ạ.”
Ý nấygây ngẩn nhìn màu đỏ như máu sóng sánh của mặt biển, tròng mắt như gợn lên màu đỏ, sau đó lại thôi. Phải về thắp hương cho thầy, Ý lẩm bẩm, phải về thắp hương cho thầy.
Khói hương nghi ngút trên án, bức họa của thầy cầm một cây trường thương, mắt thầy lành lạnh, môi thầy mím lại thành một đường thẳng, tư thế như sắp bửa giáo xuống. U hay bảo bức họa này chẳng giống thầy, người thầy nhỏ hơn, di chuyển nhanh nhẹn và khó đoán hơn. U có tài vẽ, cây, cỏ, người, thú đều được cả, nhưng từ ngày thầy mất, thư án u chẳng buồn động đến. Ý ngắm bức họa này không phải lần đầu, ngày nào đi vào cũng ngắm, ngắm đến độ quen thuộc hết những cho tiết nhỏ trong đó, nhắm mắt là cũng có thể mường tượng ra. Thầy là Trần Nhật Quang, Đô Chỉ Huy Sứ đầu tiên xuất thân từ trấn Sơn Dương, là niềm tự hào của vùng biển nghèo khó này. Quan phụ mẫu địa phương chắp tay vái lấy bốn cái, lại quỳ xuống khấu ba lạy. U bưng trên tay một đĩa muối trắng tinh và một chén cơm nghi ngút khói, đặt trên bàn thờ, giọng trang nghiêm:
“Thầy nó ơi, thỉnh thầy nó về ăn cơm trắng với muối trong, gạo vừa mới xay, muối vừa mới phơi.”
Nói đoạn U thắp một cây nhang đưa cho thầy Hoàn quan huyện, một cây đưa cho Ý và một cây tự mình cắm vào bát nhang.
“Mời thầy ra buồng phía trước uống trà để tôi hầu chuyện. Nhà cũng không có gì nhiều, chỉ có cơi trầu mới têm. Thỉnh thầy ạ!” – U hơi ngập ngừng nhìn Ý, sau đó u phẩy nhẹ tay ý bảo Ý vào buồng trong.
“Ấy ấy hầu với chẳng hạ. Thế tôi với mợ Huyền ra trước ngồi một xíu nhỉ! Tôi cũng có chuyện cần nói.”
Người vào nhà viếng thầy thì không ít, nhưng có mỗi thầy Hoàn là nán lại. Ý hơi cau mài lại, cũng không tỏ thái độ gì nhiều, vâng lời u đi khỏi đó. Bà vú đứng phía sau cửa buồng bắt gặp Ý, ngập ngừng định nói gì đó lại thôi. Đôi mắt bà đã lèm nhèm hấp háy vì tuổi tác nhưng bà thấy nhiều thứ hơn người tỏ mắt. Vú đưa bát cơm muối lại cho Ý, xoa đầu nó.
“Con lại ra mỏm đá nữa ấy à?”
“Vâng ạ.”
“Con ra chỗ đấy in ít vào thôi, u con không thích, mà chỗ đấy cũng không phải nơi tốt lành gì.”
“Vâng ạ.” – Ý nhìn thẳng vào mắt vú, khóe môi nhếch lên, mắt lóe lên một tia sáng tinh nghịch thơ trẻ. – “Anh Độ làm xong cái cung cho con chưa vú? Tính tới hôm nay cũng được hẳn 2 cái trăng rằm rồi, có mỗi cái cung mà nhằn nhì mãi chẳng xong.”
“Văn Độ dạo này nó bận lắm con, khách ở vùng Hữu Nhạn cứ đặt làm đồ mãi.” – Vú nói với nét tự hào không kiềm được trong từng câu chữ. – “Nó bảo khúc gỗ mun con mang cho nó nặng lắm, làm thành cung ngay thì nặng quá con khó dùng, phải mang ra phơi khô với xử lý đặc biệt để nó dẻo hơn. Đợi qua mùng một tháng sau, nó xử lý xong sự vụ sẽ làm xong cho con. Một cái trăng rằm nữa là có ngay đấy con, kiên nhẫn một chút.”
“Vâng ạ, vú nhắn với anh giúp con. Con sợ anh bận quá lại quên mất.”
“Rồi rồi, tôi biết rồi bà nhỏ ơi. Giá mà với may vá con cũng hứng thú như thế này.”
Ý đang toe toét thì thu nụ cười lại, ánh mắt nghiêm túc:
“Con không chỉ là con gái, con còn là con gái của Đô Chỉ Huy Sứ Trần Nhật Quang. Chúng nó sẽ cười vào mặt con nếu còn không biết vung kiếm vú ơi.”
Ý cắp đôi hài kĩ lưỡng, bóng dáng của cô gái nhỏ mất hút đi trong làn khói bếp, xuyên qua kẽ nắng oi ả vuông vức soi xuống bốn bức tường của sân nhà sau. Dọc theo đường đi là những kí hiệu lá cờ, trong lá cờ có một vòng tròn với chữ “Trần” (陳), nét khắc nguệch ngoạc nhưng hằn sâu, chỉ ra một đường đi ngoằn nghoèo sâu vào nơi rừng già.
Nhật Ý dừng lại ở chỗ có cắm một cây sào lớn phía Đông Bắc, nơi mà lá cờ vàng viền đỏ chói mắt bay phấp phới giữa không gian âm u trong trẻo của rừng thông. Mắt cô rảo đến người gỗ ở góc sân. Gỗ thông vừa được gọt, mùi gỗ xộc thẳng vào mũi, gỗ ngà ngà, những đường vân đánh bóng lộ rõ mồn một. Mắt của Ý lia nhẹ qua phần gai nhọn ở những vị trí đáng lẽ ra là cổ tay và khuỷu tay của người gỗ, vung nhẹ tay phải đánh vào cánh tay, cẩn thận tránh phần gai nhọn. Phần thân vai người gỗ gặp xung động mạnh, tạo ra phản lực không ngờ đến, gai nhọn nhắm thẳng vai của Ý mà xoay đến.
Một bàn tay to lớn nhanh nhẹn chặn lại mũi gai, tay còn lại túm lấy cổ áo của đứa trẻ nhấc lên, đôi mài cau chặt lại.
“Không lượng sức mình, trễ một khắc nữa là mất luôn cái tay rồi biết không?”
Người đàn ông thả tay ra, di chuyển bàn tay thô to, gần như khổng lồ của mình đặt lên đầu đứa trẻ, xoa xoa nhè nhẹ, trông buồn cười như thể một con gấu cẩn thận cầm một quả mọng nhỏ trong tay, nhỉ sợ mình nhỡ tay làm quả kia dập.
“Chú vừa làm xong cái này ấy ạ? Gỗ thông trắng bóc lại thơm phức!”
“Nó cao hơn nửa người cháu đấy, bất cẩn là vỡ đầu như chơi.”
“Chú làm cái này cho cháu ấy ạ?”
Người đàn ông cúi người nhấc bổng đứa trẻ, để nó ngồi lên vai, giọng trầm thấp.
“Chú định làm cho cháu, mà kiểu này thì chắc phải tháo mấy cái cọc ra.”
“Ơ sao thế, cháu thử thấy nó tốt mà?”
“Mất luôn một cái tay là tốt?”
“Chú Bá cứ để đấy để cho cháu, chẳng sợ gì cả. Vài vết bầm dăm ba hôm nó hết.”
Tiếng cười khan nhẹ phát ra từ cổ của chú Bá, mi mắt chú đầy chân chim, hàng lông mày rậm động nhè nhẹ, khóe môi cong tít lộ ra hàm răng vàng ố vì nước chè.
“Hồ phụ không sinh khuyển nữ.” Chú cười rộ lên. “Nếu mà con là con trai thì-”
“Con trai thì sao thế chú? Cháu thấy là con gái chẳng thua kém ai cái gì hết, cái gì cũng làm được, vào nhà bếp được, vung kiếm chém giặc được.” Nhật Ý cướp lời.
Mắt của chú Bá mở to một lúc, sau đó chú thở ra một hơi, thả đứa trẻ xuống đất. Chú nhận ra là mình đã quên mất là Ý đã lớn đến nhường nào. Mặt của Bá đối diện với đứa trẻ cao chẳng bằng nửa mình, nhìn thằng vào đôi mắt trong vắt ấy. Tròng mắt đen láy, tròn vạnh của một đứa trẻ, trắng đen phân rõ. Chỉ là đuôi mắt xếch nhẹ, dáng mắt hẹp để lộ một loại ý chí bất kham làm cho người ta cảm tưởng đây là cái nhìn của một người trưởng thành. Đôi mắt này là của Quang. Quang chắc sẽ không vui, ngày xưa thầy ấy hay bảo, con gái của thầy phải là đứa được diện những cái yếm xinh đẹp nhất, sống một cuộc sống sung sướng vô lo vô nghĩ.
Tiếng gọi ngây ngô của đứa trẻ trước mặt đưa chú Bá về thực tại:
“Chú nghĩ gì đấy?”
Chú Bá nhìn lảng qua hướng khác, phớt lờ câu hỏi kia:
“Cháu có mang kiếm gỗ theo không?”
Ý mò mẫm trên mặt đất đầy cỏ, cuối cùng tìm ra một thanh gỗ móp méo cháy đen một phần.
Chú Bá chợt đưa tay lên đỡ khúc gỗ đang nhằm vào ngực mình mà đâm tới, lực đạo không hề nhỏ nhưng vừa chạm tay vào là lực tản mát hết, cực kì dễ dàng đối phó. Đôi mắt hấp háy của Ý lóe lên một tia sáng nhẹ, sau đó lại thất vọng, buồn bực buông kiếm gỗ xuống.
“Người của cháu không đủ sức để làm như vậy, và kiếm cũng không được dùng như vậy” - Chú Bá cau mày lại – “Cháu không phù hợp để dùng kiếm.”
“Sao mà cháu lại không hợp dùng kiếm?” - Ý nhấc tay lên, tay hằn lên những vết bầm từ những ngày tập luyện trước đó, lòng bàn tay đầy nốt tím đỏ cộm ở các khớp xương, chưa kịp kéo da non hình thành nốt chai. – “Cháu không thiếu sức, cứ để cháu với một cây kiếm thật, hai con trăng sau cháu chém gãy hình nhân này của chú!”
“Tay của cháu sẽ biến dạng trước khi cháu chém đôi được người gỗ. Cháu sẽ nhận vài nhát chém vào đầu hoặc bị chém gãy kiếm trước khi ghim được kiếm của cháu và ngực đối thủ, đấy là trong trường hợp kẻ khốn khổ kia có dáng vóc trung bình và bị chột một mắt.” - Chú Bá đi thẳng vào góc phía Tây của căn chòi, lấy ra một thanh trường côn được đẽo gọt sẵn dài bốn thước, ngồi xuống chuốt nhọn một đầu của nó.
“Nhưng cháu đâu có cần đấu với người lớn ạ?”
“Mấy hôm nữa chú sẽ làm một cây thương cho cháu, còn bây giờ thì dùng cái này đi.” - Chú ném thanh côn với một đầu chuốt nhọn qua cho Ý. – “Cháu không cần tập lực tay nữa, hãy tập cách di chuyển né đòn và sát thương mục tiêu ở tầm xa. Tập ném thương càng tốt. Cháu cần giới hạn va chạm cận chiến của mình và đối thủ. Cháu định tham dự cái Lễ chiêu quân ấy à?”
Ý cầm chắc thanh côn trong tay, thân gỗ nhẹ bẫng, dùng hết lực vung xuống. Cảm giác thật sự thoải mái, thuận tiện hơn trước đó rất nhiều.
“Vâng ạ.”
“Cháu đâu cần phải tập luyện để đấu với những đứa trẻ ở Lễ Chiêu Quân, chúng nó sẽ tè ra quần khi cháu gõ lên đầu từng đứa một.” Chú Bá vừa cười vừa nói khi nhìn thấy Nhật ý trượt ngã sõng soài ra đất.
Nhật Ý nheo mắt lại nhìn chú Bá, nghiến răng:
“Chú cứ đợi mà xem.”
Nhật Ý ở trước căn chòi của chú Bá luyện thương đến chập chiều tối, cả người cô bé run bần bật vì đói, hơi thở nặng nề, mồ hôi nhễ nhại, từng thớ cơ căng ra theo nhịp thở dồn dập. Năm ngón tay bé nhỏ xiếc chặt thân của cây thương, duỗi tay ra sau và hít thật sâu. Cơ hoành căng ra hết cỡ, cánh tay khựng đứng trong không trung, nhịp thở ngưng lại, chân phải chọn chỗ làm đà.
“Nghe rõ nhịp thở của mục tiêu, nhìn rõ chuyển động thân thể.”
“Đừng để bất kì ai có cơ hội chạm vào người cháu. Sức vóc của cháu bé nhỏ, cháu không chơi giáp lá cà được.”
“Cây thương trong tay cháu không phải là tính mạng, nó là công cụ, cháu có thể buông nó ra hoặc tháo chạy bất kì lúc nào.” Chú Bá kéo tay của Ý lên, nhìn những ngón tay siết chặt lên thương gỗ, mồ hôi từ tay hằn dấu ngón tay lên đó. “Nó là thứ giúp ích cho cháu, không phải vật cản đường cháu.”
Nhật Ý thở ra, ngón tay thả lỏng, cổ tay xoay tròn, tích lực rồi phóng cây giáo thẳng vào giữa trán của hình nhân. Mũi nhọn của cây giáo gỗ tòe đi khi chạm vào mộc nhân, để lại một vệt lõm nhàn nhạt chơi nó ghim vào.
Chú Bá lại gần mộc nhân, cẩn thận xem xét vết lõm, khóe môi chú cong lên vẻ kiêu ngạo tự hào, xoay đầu lại bảo:
“Hôm nay tập đến đây là được rồi, cháu về nhà đi kẻo u lo, về trễ quá lại bị rừng già bắt mất thì chú cũng không đền con cho u cháu được.”
“Chào chú cháu về ạ, lần sau cháu mang vài con gà ra cho chú, hôm nay u bận giỗ nên quên chuẩn bị.”
Ý nhón chân vụt chạy, bị chú Bá tóm lại, chú cầm một nắm lá đã giã nhuyễn xoa lên người. Chú dùng ngón tay cái vẽ một mệt màu xanh lên trán, xoa lem nhem lá thuốc lên mặt của Ý, sau đó xoa khắp cánh tay và khuỷu tay. Hay bàn tay to lớn và nặng trịch của chú đáp xuống vai Ý, mắt chú nhìn thẳng và mắt của Ý.
“Cháu đi về an toàn, đi một mạch về tới nhà, đừng có lêu lỏng nơi nào khác. Trời tối rồi, nguy hiểm lắm. Với lại đừng có đi ra chỗ mỏm đá nữa, ở đó không có gì tốt lành cả.”
Ý khịt mũi một cái, quay mông đi để lại một câu:
“Chú khinh thường cháu quá đấy ạ.”
“Bà đây gam hùm tôi không phải không biết.” Chú Bá lắc đầu thở dài.
Ý giẫm chân trần lên cỏ mà chạy về, đôi hài vải mẹ may cắp kĩ trong tay để không dính bẩn. Đôi mắt tinh tường dò dẫm trong bóng đêm và ánh sáng của mặt trăng để xác định phương hướng, dùng vết khắc cờ hiệu nổi lên trong đêm thanh vắng mà tìm đường về nhà. Hôm nay trăng tròn thật ấy nhỉ, Ý tự nhủ. Ý bứt tốc chạy ngang qua Dương Nham, cho dù cô bé không tin vào quỷ thần thì mỗi lần chạy ngang qua vùng đồng hoang này cũng cảm thấy nghẹt thở và bức bối không thể nào lí giải. Chắc có thể là gần đây là chỗ đấy dùng để chôn binh lính đã tử trận từ bảy năm trước.
Đặt một chân vào sân nhà sau, tiếng nói thình lình vang lên ở góc nhà bếp:
“Con nhanh tay chân tắm gội, có nước nóng ở trên ấm, thằng Dương nó cũng đang chờ chị về ăn cơm.”
“Vâng ạ, con xin lỗi u con về trễ.”
“Con về là được rồi.”
U bước ra sân, cầm theo lồng đèn soi sáng cả khoảng sân tối om phía sau. Mắt u dò xét người của Ý:
“Sao con không mang hài, u may hài cho con không phải để cho con cắp tay đi chân không.”
“Bẩn hài u ạ, hay u may cho con một đôi hài đen, chứ hài thêu hoa mang vào bẩn uổng lắm ạ.”
U khom người xuống, tay xoa đầu gối và gót chân của Ý. Những vết nứt hằn lên ở gót chân, những vết xước rướm máu ở đầu gối và sưng tấy ở tay. U kéo tay của Ý lại áp lên má mình, nhỏ giọng.
“Đau không con?”
“Không đau u ạ, có gì đâu mà đau.”
U xoa nhẹ mặt của Ý, gỡ lớp lá thuốc lem nhem trên mặt cô bé. Khuôn mặt này giống khuôn mặt của u như từ một khuôn đúc ra, từ đôi mày, khuôn trán đến cái mũi, khóe miệng. Mọi người cứ bảo là Ý giống u nhất. Nhưng u không nghĩ vậy, đôi mắt này là của Quang. Ý bắt được u đang thả hồn về một nơi khác, cười khì một tiếng, lao vào người u chùi lấy chùi để bụi bẩn bùn đất.
“Ơ con bé này, làm cái gì đấy. U vừa tắm xong, nhà lại bao việc chưa thu xếp.”
“Mà người u bẩn mất rối, u lại tắm cùng con đi ạ.”
U thở dài một tiếng, lườm Ý.
“Vâng ạ bà nhỏ, tôi đi theo hầu bà ạ.”
Ý vòng tay qua cổ của u, u bế thốc con bé lên đi vào buồng trong để tắm gội.
Tắm gội xong thì trời cũng đã khuya, cả nhà ba người gồm u, Ý và Nhật Dương quây quần cùng nhau bên bếp lửa.
“Hôm nay u lại kể chuyện cho chúng con nghe đi ạ.”
“Mấy đứa muốn nghe cái gì?”
“Cái gì cũng được ạ.”

Komento sa Aklat (634)

  • avatar
    betyorn

    Truyện này rất hay mong ra thêm nhiều chương hơn nữa

    19d

      0
  • avatar
    Nga

    hay tuyệt

    03/08

      0
  • avatar
    HongTuyt

    hay rất hay, ủng hộ bn ra nhiều tác phẩm mới nhé.

    10/07

      0
  • Tingnan Lahat

Mga Kaugnay na Kabanata

Mga Pinakabagong Kabanata